Tin mới nhất





Thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ chuỗi trang trại chăn nuôi tổng hợp
Bằng sự năng động, sáng tạo và kiên trì theo đuổi giấc mơ "làm giàu", chị Bùi Thị Cúc ở thôn 7, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan đã thành công với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp theo chuỗi giá trị với quy mô hàng chục ha và hàng vạn con nuôi. Từ mô hình này mỗi năm chị thu lãi hàng tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ chuỗi trang trại chăn nuôi tổng hợp

Trang trại của gia đình chị Cúc đang nuôi 5 vạn con gà Ai Cập đẻ trứng.

Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp đầy khó khăn, chị Cúc cho biết: Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, đông con với bộn bề khó khăn nên khi học đến lớp 9 tôi phải gác lại chuyện học, đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Thấy rằng đồng đất quê hương rất rộng, phù hợp với phát triển kinh tế nông nghiệp, tôi ấp ủ ước mơ làm giàu chính đáng trên quê hương. 

Từ đó, chị chủ động học hỏi, không ngại khó khăn, vất vả tìm kiếm mô hình kinh tế phù hợp để áp dụng vào thực tế sản xuất. Với vốn kiến thức tích lũy được, năm 2013 chị dành hết số vốn tự có và vay mượn thêm từ anh em trong gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà Ai Cập đẻ trứng quy mô 1.000 con. Song "cái khó bó cái khôn", do không đủ vốn cùng thiếu kinh nghiệm, ngay những lứa gà đầu tiên có tỷ lệ đẻ trứng thấp, hiệu quả không cao. Không nản lòng, chị xếp lại mọi việc, đi thăm và học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi gà đẻ trứng đã thành công trên địa bàn tỉnh. 

Trở về, Chị Cúc bàn với gia đình tiếp tục lấy con gà làm con nuôi chính để phát triển kinh tế. Lần này, được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan tạo điều kiện vay vốn, chị đã đổi mới cách làm và mở rộng quy mô. Có kinh nghiệm, có vốn, cùng sự chịu cần cù chịu khó, mô hình nuôi gà đẻ trứng phát huy hiệu quả. Khi đã thành công và làm chủ kỹ thuật nuôi gà, chị quyết định mở rộng thêm các con nuôi mới đó là lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm, bò thịt và vịt. Đến nay chị đã xây dựng thành công chuỗi trang trại chăn nuôi với 8 trại, mỗi trại có quy mô từ 1- 5 ha, thường xuyên duy trì 200 lợn nái sinh sản, 2.000 con lợn thịt, 5 vạn con gà Ai Cập đẻ trứng, 30 con bò và 1.000 con vịt. 

Nhẩm tính, chị Cúc vui vẻ cho biết: "Bây giờ đều đều mỗi ngày gà đẻ 4 vạn trứng với giá ổn định và các thương lái đến tận nơi thu mua, sau khi trừ chi phí có lãi 12 triệu đồng/ngày. Còn với con lợn nái, sinh ra bao nhiêu để lại nuôi bấy nhiêu, mỗi năm xuất bán 4.000 con lợn thịt (lãi 200 nghìn đồng/con). Ngoài ra bò, vịt cũng có thu nhập khá. Ước tính từ mô hình kinh tế trang trại mỗi năm gia đình có lãi vài tỷ đồng". 

Thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ chuỗi trang trại chăn nuôi tổng hợp
Trang trại của gia đình chị Cúc đang nuôi hơn 30 con bò.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thành công chuỗi trang trại chăn nuôi tổng hợp, Chị Cúc cho biết: Ngoài yếu tố tiên quyết đó là vốn, kinh nghiệm, sự tâm huyết với nghề, với con đường mình đã lựa chọn, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi. Bởi những năm gần đây tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nếu không làm tốt sẽ thua lỗ rất lớn. Ví dụ đối với con lợn, chuồng trại đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông và cần tiêm phòng đủ các loại vắc xin ngay từ khi sinh ra, trong quá trình nuôi bổ sung đầy đủ dưỡng chất và vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng, thực hiện vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên, định kỳ. Để tránh trường hợp nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình chị thực hiện nguyên tắc "ngoại bất xuất, nội bất nhập", hạn chế thấp nhất nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào.

Tuy đã thành công và chạm tới ước mơ của mình, nhưng chị Cúc chưa một ngày xao nhãng việc phát triển kinh tế trang trại. Thời gian tới chị có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất thêm vài trại nuôi lợn, gà đẻ rứng và thử nghiệm một số con nuôi mới có giá trị kinh tế cao. 

Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, chị Cúc còn tạo việc làm thường xuyên cho 5- 6 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, trang trại của gia đình chị Cúc còn là địa chỉ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng dạy về ngành chăn nuôi gửi sinh viên về thực tập, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng kiến thức vào thực tế sau thời gian dài học lý thuyết trên giảng đường. 

Đại diện lãnh đạo UBND xã Gia Lâm, huyện Nho Quan cho biết: Chuỗi trang trại chăn nuôi của chị Bùi Thị Cúc là một trong những mô hình tiêu biểu của xã trong phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Cúc còn chủ động giúp đỡ bà con nông dân trong xã kiến thức, kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế trang trại, từ đó mạnh dạn đầu tư vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đây cũng là mô hình kinh tế xã Gia Lâm đã xác định cần đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả và nhân rộng trong thời gian tới.

Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1