Tin mới nhất





Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức công tác xây dựng NTM cho cán bộ cấp tỉnh, huyện năm 2023
Từ ngày 29 đến 31/5, Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức công tác xây dựng NTM cho cán bộ cấp tỉnh, huyện năm 2023.
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức công tác xây dựng NTM cho cán bộ cấp tỉnh, huyện năm 2023

Đoàn công tác tham quan Trạm Y tế xã Đông Khê (Thanh Hóa).

Tại hội nghị tập huấn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông tin nhanh về kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 7/8 huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Kim Sơn đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Có 100% xã đạt chuẩn NTM; 30/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Trong xây dựng NTM, Ninh Bình có sáng kiến khởi nguồn "Lấy ý kiến, sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM"  được Trung ương đánh giá cao, đồng thời triển khai rộng rãi trong cả nước. Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh đã có 101 sản phẩm được xếp hạng OCOP, trong đó có 68 sản phẩm hạng 4 sao và 33 sản phẩm hạng 3 sao….

Hội nghị tập huấn cũng đã quán triệt các chuyên đề: cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025;  phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; kỹ năng lãnh đạo cộng đồng.

Trong đợt tập huấn này, các học viên đã đi tham quan thực tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn đã đến tham quan Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo Sao Khuê tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn. 

Tập huấn bồi dưỡng kiến thức công tác xây dựng NTM cho cán bộ cấp tỉnh huyện năm 2023
Đoàn tham quan Nhà máy sản xuất chế biến lúa gạo Sao Khuê.

Với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, quy mô công suất 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm. Nhà máy có 2 dây chuyền theo công nghệ sản xuất lúa tươi và dây chuyền xay xát chế biến, đóng gói theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, có tính năng kỹ thuật tự động hóa cao, đáp ứng nhu cầu thu mua, sấy khô và xay xát, chế biến lúa gạo tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. 

Đoàn cũng tìm hiểu kinh nghiệm đầu tư đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô cánh đồng mẫu lớn (tổng diện tích hơn 500 ha), áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. 

Cùng với đó là kinh nghiệm xây dựng các cửa hàng thương nghiệp, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, với tổng số điểm bán hàng hiện có của Công ty đã lên tới 200 điểm. Qua đó góp phần phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương.

Cũng trong chuyến công tác, tại huyện Đông Sơn, đoàn đến tham quan xã NTM kiểu mẫu Đông Khê, địa phương đã huy động trên 291 tỷ đồng triển khai thực hiện chương trình. Trong đó, riêng nguồn vốn huy động từ nhân dân là trên 103 tỷ đồng, ngoài ra, nhân dân còn đóng góp gần 10.000 m2 đất để xây dựng, chỉnh trang các công trình nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm. 

Đến nay, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ, 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao; các tuyến đường đều được trải nhựa, trồng cây xanh hai bên tạo cảnh quan đẹp cho làng xóm. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, xã không có hộ nghèo (chỉ có 7 hộ nghèo bảo trợ xã hội), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. 

Thông qua lớp tập huấn, chuyến đi thực tế đã giúp các cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng NTM tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, triển khai có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Từ đó, góp phần sớm đưa tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2024.

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1