Tin mới nhất





Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng
Mã số vùng trồng là một trong những nội dung quan trọng của tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn - tiêu chí nền tảng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, ngành nông nghiệp đang tập trung hỗ trợ các địa phương chuẩn hóa sản xuất, hoàn thiện các quy trình thủ tục theo yêu cầu để được cấp mã số này, từ đó góp phần phát triển sản xuất và hướng tới mục tiêu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện lấy mẫu đất, nước để đưa đi kiểm nghiệm, làm cơ sở cấp mã số vùng trồng.

Nhiều khó khăn, vướng mắc 

Ở xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, sản xuất nông nghiệp chủ yếu xoay quanh cây lúa. Tuy nhiên, với lối canh tác truyền thống, manh mún, mỗi hộ một giống, một cách chăm bón khác nhau nên chất lượng sản phẩm gạo của địa phương không đồng đều và chưa có chỗ đứng trên thị trường. Bà con chủ yếu tiêu thụ tự do, giá trị kinh tế đem lại không cao. Trước thực tế này, Khánh Thiện đã và đang nỗ lực thay đổi lại cách thức sản xuất để dần hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Trước tiên, xã yêu cầu cán bộ chuyên môn HTX hướng dẫn bà con chuyển toàn bộ từ gieo thẳng sang cấy để hạn chế việc sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ ốc cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Công đoạn làm cỏ cũng được khuyến khích thực hiện bằng các biện pháp thủ công. Việc chăm bón, phun thuốc đảm bảo theo nguyên tắc "4 đúng". HTX thường xuyên kiểm tra, giám sát, thành lập nhóm Zalo để nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ nhật ký nông hộ bao gồm các nội dung như: ngày gieo trồng, giai đoạn phát triển của cây trồng, sinh vật gây hại trong quá trình điều tra, ngày bón phân, phun thuốc, loại phân bón, loại thuốc, liều lượng sử dụng... 

Ông Đặng Công Đoàn, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất (xã Khánh Thiện) cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn hóa sản xuất, đảm bảo các yếu tố về môi trường, an toàn thực phẩm theo đúng quy định để được cấp mã số vùng trồng. Đây là cơ sở để sản phẩm lúa gạo của địa phương có cơ hội tiêu thụ tốt hơn. Đồng thời hoàn thiện tiêu chí của xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, khó khăn nhất của HTX hiện nay là việc tổng hợp thông tin từ các hộ dân để cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến, bởi số hộ dân canh tác trong vùng cấp mã số rất đông, trong khi phần lớn cán bộ HTX hiện nay đã lớn tuổi, trình độ công nghệ thông tin có phần hạn chế". 

Còn tại xã Khánh Tiên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Tiền Phong cho biết: Hiện nay mỗi hộ sở hữu một diện tích rất nhỏ, nên một vùng trồng vài chục ha nhưng có tới hàng trăm nông dân cùng canh tác. Do vậy, rất khó để chỉ đạo thực hiện đồng bộ các gải pháp kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu. Đó là chưa kể ở các vùng trồng màu, bà con thường xuyên thay đổi cây trồng sau mỗi vụ, không cố định một diện tích cho mỗi loại cây trồng... 

Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 20 vùng trồng với tổng diện tích khoảng 700 ha được cấp mã số. Trong đó chủ yếu là các vùng sản xuất lúa. Đây là một con số khá khiêm tốn. Ông Nguyễn Đức Thuận, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, thực tế quá trình triển khai việc cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định như: Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; không đồng nhất trong từng vùng trồng; nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của nó mang lại còn khá mơ hồ. 

Ngoài ra, khi vùng trồng được cấp mã số thì người sản xuất trực tiếp phải cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý (mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, thu hoạch, năng suất...), trong khi kiến thức, trình độ của người sản xuất ở nhiều nơi, nhiều vùng chưa thể làm ngay được. 

Quyết tâm cao 

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành" của nông sản. Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường, đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch. Với lợi ích này, đây trở thành một trong những tiêu chí mà tỉnh Ninh Bình đưa vào để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. 

Trao đổi với bà Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên được biết: Xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 theo bộ tiêu chí của giai đoạn trước. Tuy nhiên, đối chiếu với bộ tiêu chí mới hiện nay thì xã vẫn phải hoàn thiện thêm một vài nội dung, trong đó có yêu cầu về vùng trồng được cấp mã số. Đây là một tiêu chí mới, khó thực hiện nhưng lại là tiêu chí rất có ý nghĩa, đưa khâu tổ chức sản xuất bắt nhịp với xu thế phát triển kinh tế hiện đại và là tiền đề để hoàn thiện nhiều tiêu chí khác. Do vậy, xã rất quyết tâm để thực hiện. 

Trước tiên, chúng tôi đã chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, trên cơ sở đó tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng đồng thuận tham gia, thực hiện sản xuất theo quy chuẩn, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang hỗ trợ xã làm các hồ sơ, thủ tục cần thiết, đồng thời lấy mẫu đất, mẫu nước của vùng trồng đưa đi kiểm nghiệm. Hy vọng Khánh Tiên sẽ sớm có vùng trồng được cấp mã số. 

Với mục tiêu tập trung thiết lập, cấp, quản lý và giám sát cho vùng sản xuất chính, vùng trồng các loại cây trồng được xác định là chủ lực, đặc sản của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã và đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về mã số vùng trồng cho các đối tượng như: cán bộ quản lý, chính quyền địa phương, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở; tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và trực tiếp làm việc tại các vùng trồng. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ, thiết lập, cấp mã số cho các vùng trồng tại các xã phấn đấu hoàn thiện tiêu chí đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Cụ thể, thực hiện hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng", phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu. Giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, sẽ có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tuyệt đối không để người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.

Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1