Tin mới nhất





Yên Mô: Nỗ lực gắn sao OCOP cho các sản phẩm đặc trưng
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm qua, huyện Yên Mô đã triển khai nhiều chính sách phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuẩn hóa các sản phẩm đáp ứng yêu cầu, tiêu chí sản phẩm OCOP.
Yên Mô: Nỗ lực

Anh Nguyễn Văn Quyên, xã Yên Phong đang phát triển dưa vân lưới trong nhà kinh trở thành sản phẩm OCOP.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Yên Mô đã phát triển được 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, chủ yếu là nông sản hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Sau khi có chứng nhận sản phẩm OCOP, các cơ sở đều phát triển với quy mô sản xuất và thị trường được mở rộng, doanh thu tăng, đặc biệt khách hàng có sản phản hồi tốt về sản phẩm. 

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình OCOP, năm 2023 huyện Yên Mô đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 5 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Ngay từ những tháng đầu năm, với sự hỗ trợ của huyện, các chủ thể được lựa chọn đã tích cực chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP.

Giò trứng là một trong những sản phẩm truyền thống của người dân xã Yên Từ với hương vị thơm ngon đặc trưng. Việc giò trứng được lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo động lực để người dân nơi đây đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, chú trọng hơn đến việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào đảm bảo tươi ngon, an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. 

Ông Bùi Văn Phương chủ cơ sở giò trứng Phương Bến chia sẻ: "Để có những chiếc giò thơm, ngon đặc trưng trước tiên khâu chọn nguyên liệu phải thật tỉ mỉ, cẩn thận, thịt lợn hay trứng đều phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi đã có đủ nguyên liệu, người thợ phải chế biến ngay khi thịt lợn còn nóng. Ngoài ra bí quyết để có chiếc giò ngon còn ở khâu nêm nếm gia vị, công đoạn bó giò, luộc và ép giò".

Cũng theo ông Phương, giò trứng đã gắn bó với các thế hệ cha, ông từ bao đời nay. Với những bí quyết riêng được truyền từ đời trước sang đời sau, giò trứng vẫn giữ được hương vị thơm ngon vốn có. Tuy nhiên giò trứng có mẫu mã chưa đẹp, chưa có tem truy xuất nguồn gốc, chưa có bao bì phù hợp. Vì vậy người dân đều đang cố gắng tạo dựng thương hiệu bằng cách xây dựng thành công sản phẩm OCOP. Qua đó sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.

Với mong muốn cung ứng ra thị trường những nông sản an toàn, giữa năm 2022, anh Nguyễn Văn Quyên, ở xã Yên Phong đã đầu tư xây dựng 2.000 m2 nhà kính, nhà lưới cùng hệ thống tưới tự động để trồng dưa vân lưới. Mọi quy trình sản xuất được anh áp dụng theo phương pháp an toàn nên dưa đảm bảo an toàn thực phẩm, được thị trường đón nhận. Ước tính năm 2022 gia đình anh thu được 16 tấn dưa với giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí có lãi gần 400 triệu đồng. Với hiệu quả từ cây dưa đem lại, năm 2023 anh Quyên tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới lên 7.000 m2 với tỷ lệ quay vòng 4 vụ/năm. 

Đặc biệt, dưa vân lưới của gia đình anh được huyện Yên Mô lựa chọn hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP trong năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp sản phẩm dưa vân lưới của gia đình anh Quyên ngày càng phát triển và vươn xa ra những thị trường khó tính. 

Anh Nguyễn Văn Quyên cho biết: Hiện nay gia đình tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình sản xuất dưa vân lưới trong nhà kính theo hướng an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đơn vị tư vấn hoàn thiện mẫu mã bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Tôi hy vọng khi dưa vân lưới được chứng nhận sản phẩm OCOP sẽ có thị trường rộng mở và giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên.

Yên Mô Nỗ lực gắn sao OCOP cho các sản phẩm đặc trưng
Người lao động chăm sóc cây dưa vân lưới trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Quyên, xã Yên Phong.

Bà Hoàng Thị Nguyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết: Để đạt mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP năm 2023, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ để Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng theo Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm của Chương trình OCOP. Cùng với chính sách hỗ trợ hiện hành của tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng, chuẩn hóa mỗi sản phẩm OCOP là 50 triệu đồng/sản phẩm theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 25/3/2022 và Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 26/9/2022 của HĐND huyện. 

Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, Yên Mô tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể OCOP tham gia các kỳ xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP do tỉnh, Trung ương tổ chức. Đồng thời, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện, của tỉnh làm quà tặng và giới thiệu với du khách.

Trong giai đoạn 2023-2025 huyện có kế hoạch xây dựng 1 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đã được chứng nhận. Cùng với hỗ trợ xúc tiến thương mại, huyện đang thực hiện rà soát các sản phẩm được chứng nhận OCOP từ năm 2019-2021 đã hết thời hạn và hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng lại theo quy định.

Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1