Tin mới nhất





Nông dân Yên Mô rộn ràng thu hoạch lúa Đông xuân
Hiện nay, gần 6.400 ha lúa Đông xuân của huyện Yên Mô đang vào kỳ chín rộ. Để đảm bảo ăn chắc, tránh ảnh hưởng của mưa bão, cũng như giải phóng đất để sản xuất vụ Mùa, bà con nông dân trong huyện đang tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.
Nông dân Yên Mô rộn ràng thu hoạch lúa Đông xuân

Nông dân huyện Yên Mô tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa Đông xuân.

Ngay từ sáng sớm, các cánh đồng của HTX Yên Hòa (xã Yên Hòa) đã rộn vang tiếng máy gặt, tiếng người gọi nhau í ới. Trên các trục đường nội đồng, bà con nông dân hối hả thu gom, vận chuyển lúa về nhà phơi.

Ông Hoàng Văn Hợp, thôn Trinh Nữ phấn khởi cho biết: Vụ này, 9 sào lúa của gia đình cấy theo mô hình giống mới, kỹ thuật mới cho năng suất, chất lượng vượt trội. Cũng theo ông Hợp, đây là năm đầu tiên ông đưa giống mới vào cấy, đồng thời dùng phân hữu cơ để chăm bón lúa nhưng đã cho thấy rõ sự khác biệt. Cây lúa cứng, khỏe, ít sâu bệnh hơn trước; bông dài, nhiều hạt, hạt sáng, đều, chắc mẩy. Năng suất ước trung bình đạt khoảng 2,5 tạ/sào.

Cùng chung niềm vui được mùa, bà Đoàn Thị Huệ, thôn Lạc Hiền cho biết: Năm nay, sâu bệnh nhiều nhưng nhờ HTX hướng dẫn, chỉ đạo phun trừ kịp thời, đúng thời điểm nên lúa vẫn đẹp, bông nào bông đấy trĩu hạt. Gia đình cấy gần 2 mẫu, đến nay cơ bản gặt xong, so với năm ngoái dư được 2 chục bì thóc.

Vụ Đông xuân này, xã Yên Hòa được đánh giá là một trong những xã có năng suất lúa cao nhất của huyện Yên Mô. Địa phương đã bố trí gần chục máy gặt đập liên hợp về từng thôn, tổ chức gặt đồng loạt theo hình thức cuốn chiếu, thu hoạch cánh đồng nào gọn cánh đồng đó, thôn nào gọn thôn đó.

Theo ông Vũ Khắc Hải, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Yên Hòa, vụ Đông xuân năm nay nhờ làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên lúa của địa phương sinh trưởng và phát triển khá đồng đều, năng suất nhìn chung nhỉnh hơn các địa phương khác. 

Đặc biệt, vụ này, HTX triển khai mô hình sản xuất lúa giống mới, kỹ thuật mới, theo hướng hữu cơ với diện tích trên 46 ha, có 275 hộ dân tham gia. Với mô hình này, bà con được hỗ trợ một phần giống, phân bón hữu cơ, được hướng dẫn cặn kẽ về kỹ thuật gieo cấy, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất được đẩy lên, tăng khoảng 2 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Đây chính là tín hiệu vui để trong thời gian tới, HTX tiếp tục nhân rộng mô hình, còn hiện tại, HTX tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành thu hoạch trước ngày 5/6, sẵn sàng các điều kiện để triển khai sản xuất vụ Mùa.

Giống như nông dân xã Yên Hòa, những ngày này bà con xã Yên Thắng cũng đang hối hả thu hoạch lúa. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình cho biết, năng suất lúa không được như mong đợi. Đang nhanh tay phơi lúa, ông Nguyễn Kỳ (thôn Vân Du Hạ, xã Yên Thắng) cho biết: Nhà tôi cấy 5 sào lúa, so với năm ngoái kém mất 5-7 bì. Nguyên nhân là do sâu bệnh, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện với mật độ quá cao nhưng gia đình chủ quan không phun trừ kịp thời nên đã làm xơ trắng bộ lá khiến năng suất giảm. Tuy nhiên, bù lại giá lúa hiện tại đang ở mức tốt, dao động từ 10-11 nghìn đồng/kg, cao hơn 2 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Vụ Đông xuân năm 2024, huyện Yên Mô gieo cấy gần 6.400 ha lúa. Điểm nhấn trong vụ sản xuất này là các địa phương đã chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng giảm diện tích lúa lai, tăng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp; đồng thời tăng tỷ lệ lúa cấy, giảm tỷ lệ lúa gieo sạ. 

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, của huyện đã góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, hình thành những cánh đồng sản xuất theo chuỗi giá trị và theo hướng hữu cơ. Toàn huyện có 240 ha lúa cấy, trong đó diện tích lúa cấy bằng máy là 70 ha.

Đồng chí Lê Thị Linh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết: Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh và gây hại với mật độ cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình mọi năm. Tuy nhiên, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp kịp thời theo dõi, dự thính, dự báo và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt công tác phòng trừ, nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Qua đánh giá sơ bộ, năng suất lúa bình quân toàn huyện ước đạt 67,8 tạ/ha, tăng 0,15 tạ/ha so với vụ Đông xuân năm 2023. Trong đó, những diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ và giống mới cho năng suất cao từ 68-69 tạ/ha, thậm chí có nơi trên 70 tạ/ha.

Tính đến hết ngày 1/6, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích. Địa phương đang tiếp tục đốc thúc bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Đông xuân. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai sản xuất vụ Mùa với tinh thần thu hoạch vụ đông xuân đến đâu, làm đất, triển khai sản xuất vụ Mùa ngay đến đó.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1