Tin mới nhất





Bước chuyển vững chắc của nông nghiệp sau 30 năm tái lập huyện Yên Khánh
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh, sau 30 năm tái lập huyện, sản xuất nông nghiệp của Yên Khánh đã đạt được những thành tựu vượt bậc, khẳng định vai trò là "trụ đỡ" và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bước chuyển vững chắc của nông nghiệp sau 30 năm tái lập huyện Yên Khánh

Mô hình trồng hoa tại xóm 5B, xã Khánh Nhạc. Ảnh: Trường Giang

Giải pháp đồng bộ mang lại hiệu quả cao

Yên Khánh tái lập huyện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội xuống cấp, sản xuất nông nghiệp manh mún, trình độ thâm canh còn lạc hậu và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, huyện Yên Khánh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ cả trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện tốt công tác quy hoạch và tăng cường đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, từ nền sản xuất thuần nông mang nhiều tính tự cấp, tự túc, đến năm 2004, ngành nông nghiệp huyện đã phá được thế độc canh cây lúa, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện. 

Phát huy kết quả đạt được sau 10 năm tái lập huyện, từ năm 2004 đến nay, huyện Yên Khánh đã tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương phục vụ yêu cầu sản xuất; triển khai hai lần dồn điền đổi thửa (năm 2003 và 2013) gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tạo vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh sử dụng giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao và mở rộng thâm canh; quy hoạch, mở rộng diện tích sản xuất vụ đông. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao; quy hoạch xây dựng vùng sản tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. 

Từ những chủ trương sát đúng, sáng tạo và khoa học cùng sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của người dân, nông nghiệp Yên Khánh đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, yếu kém, từng bước phát huy lợi thế và có những bước chuyển biến mạnh mẽ. 

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh nông nghiệp huyện Yên Khánh đó là đưa sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, tạo chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi. Toàn huyện có 100% diện tích làm đất bằng máy; 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. 

Cùng với áp dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trong sản xuất, huyện tiếp tục lãnh đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Toàn huyện hiện có 277 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 16 mô hình cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Sản xuất vụ đông chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất cây hàng hóa rau, củ, quả, giá trị sản xuất đạt 168 triệu đồng/ha. Nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất giúp tăng năng suất và chất lượng lúa gạo. Hình thành nhiều vùng sản xuất sản phẩm an toàn theo quy trình VietGAP như: lúa, rau, ổi... 

Yên Khánh bước đầu đã có những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng, trong đó có 25 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Hàng năm, có từ 10-15 doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, tổ hợp tác và nông dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản của huyện hàng năm luôn đạt mức 2-3%. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng từ 30 triệu đồng/ha (năm 1994) lên 168 triệu đồng/ha (năm 2023). 

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gia trại, trang trại với quy mô tập trung và phát triển con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao để sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm bước đầu có hiệu quả như: Sản xuất ngọc trai nước ngọt; sản xuất lúa gạo, làm bún bánh… 

Hướng tới nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị

Có thể nói, 30 năm qua, nông nghiệp đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của huyện, là "trụ đỡ" cho nền kinh tế, nhất là vào những thời điểm khó khăn, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Đồng chí Lâm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua và trước yêu cầu đổi mới, hội nhập, để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, thời gian tới, huyện Yên Khánh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/ TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020- 2025. 

Trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái đa giá trị, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đô thị. Tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Nghiên cứu, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM. 

Cùng với đó, huyện tiếp tục kiên trì định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi từ gieo sạ sang cấy tay, cấy máy để giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rà soát, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả lâu năm và nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao. 

Quy hoạch và phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng các mô hình có giá trị kinh tế cao. Nhân rộng mô hình nuôi trai lấy ngọc kết hợp nuôi cá truyền thống tại xã Khánh Lợi, Khánh An và các xã có diện tích ao nuôi trồng thủy sản gần nguồn nước sông Đáy, sông Vạc, gắn với du lịch sinh thái. Khuyến khích, tạo cơ chế, động lực để tiếp tục huy động cao nhất các nguồn lực trong xã hội nhằm duy trì và phát triển các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện. 

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1