An toàn khu ngày ấy
Nằm ở phía Bắc huyện Nho Quan, xã Xích Thổ có địa thế hiểm yếu, núi đồi bao bọc chở che, là vùng tự do hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng, cầu nối quan trọng, huyết mạch giữa Liên khu 4 với Khu 3, với chiến khu Việt Bắc. Với vị trí chiến lược đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), nơi đây được lựa chọn để nuôi giấu và phát triển phong trào cách mạng, là nơi cất giấu quân, lương, nơi tập kết của nhiều đơn vị quân đội để huấn luyện, là điểm xuất phát tiến công quân thù.
Lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ ghi lại, ngày 1/3/1947, Huyện ủy Lạc Thủy (giai đoạn này, xã Xích Thổ thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam) quyết định thành lập Chi bộ Đảng xã Xích Thổ tại nhà đồng chí Vũ Văn Xứng, làng Thượng (nay là thôn Minh Long, xã Xích Thổ). Đây là chi bộ xã đầu tiên của Đảng bộ huyện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng quần chúng. Từ đây mọi hoạt động của các tổ chức cách mạng trong xã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước, Nhân dân Xích Thổ luôn vững tay cày, chắc tay súng, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ an toàn tính mạng cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, bảo đảm an toàn cho hoạt động của một số cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, quân đội và công an đóng tại địa phương.
Người dân Xích Thổ nhường cơm sẻ áo cho đồng bào tản cư, cho cán bộ và chiến sỹ. Nhiều bà mẹ nhận thương binh về nhà nuôi dưỡng, như bà Vũ Thị Bình đón anh Nguyễn Văn Chính quê ở Hưng Yên, bà Hoàng Thị Sít nuôi thương binh Hoàng Văn Phát quê ở Hà Tây, bà Trịnh Thị Mỳ nuôi thương binh Nguyễn Văn Tập... Và còn biết bao bà mẹ, gia đình khác là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ yêu nước, một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng.
Ở Xích Thổ, mỗi ngọn núi, dòng sông đều thấm đẫm câu chuyện lịch sử, những trận đánh oai hùng: Những trận địa pháo trên đồi Sông (thôn Đại Hòa), đồi Ma (thôn Đức Thành) hay dấu tích về căn hầm nơi ở và làm việc của đồng chí Đỗ Mười tại đồi Số (thôn Hồng Quang), bia kỷ niệm Trường quân chính Nguyễn Huệ tại đồi Sông (thôn Khánh Thiện)… Năm 1996, Xích Thổ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nhịp sống mới trên quê hương cách mạng
Kế thừa truyền thống cách mạng, vận dụng bài học phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thời kỳ kháng chiến, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua lao động, sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Xích Thổ chia sẻ: "Xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Nhân dân Xích Thổ đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền bạc và cả xương máu cho đất nước. Truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của thế hệ cha anh là niềm tự hào và động lực tiếp sức Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã đồng lòng xây dựng quê hương, đặc biệt trong xây dựng NTM".
Năm 2017, xã Xích Thổ được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2022 đạt chuẩn NTM nâng cao và đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Bức tranh NTM trên địa bàn ngày càng rõ nét, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Xuất phát điểm là xã miền đồi núi hoang vu, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chính vì vậy, chính quyền địa phương xác định đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân là lĩnh vực cốt lõi trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời tiến hành chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22%; tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm 78%; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 79,6 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu đồngngười/năm so với năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến tháng 5/2024 còn 0,34%. Toàn bộ các tuyến đường trục xã, trục thôn, đường dong ngõ xóm được bê tông, cứng hóa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Anh, thành quả của chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn xã là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và quan trọng nhất là sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của người dân. Truyền thống đoàn kết, yêu nước lâu đời tiếp tục phát huy trong thời kỳ mới, Nhân dân đồng thuận và tích cực tham gia đóng góp kinh phí cũng như hiến đất, ngày công lao động, chỉnh trang, xây mới nhà cửa, tường rào, cổng ngõ, các công trình phụ trợ tạo khuôn viên theo hướng "Sáng, xanh, sạch, đẹp". Người dân địa phương đã hiến gần 10ha đất để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đóng góp hơn 1 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động.
Chương trình xây dựng NTM đã thực sự lan tỏa tới từng ngôi nhà, từng ngõ xóm với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ vùng quê cách mạng đến làng quê đáng sống hôm nay, cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân Xích Thổ đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống trung kiên, bất khuất, viết tiếp trang sử vẻ vang, đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.