Tin mới nhất





Hướng đến kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, các-bon thấp
Ninh Bình đang có những bước đi dần hướng đến kinh tế các-bon thấp, là điều kiện "cần" để từng bước thực hiện định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Hướng đến kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, các-bon thấp

Đầm sen Hang Múa đã khẳng định được vai trò của sản phẩm nông nghiệp an toàn, đa giá trị.

Trong đó, ngành Nông nghiệp được ghi nhận là khá tích cực, vừa nỗ lực giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, vừa từng bước phấn đấu hình thành nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị.

Đồng chí Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Định hướng phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã xác định rõ là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp du lịch sinh thái, cảnh quan. 

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, nông nghiệp tỉnh ta có bước phát triển theo hướng gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, có trách nhiệm với người tiêu dùng, du khách đến với Ninh Bình. Đến nay, nông nghiệp chiếm gần 10% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 bình quân gần 3%; giá trị 1 ha canh tác đạt trên 150 triệu đồng. 

Hướng đến kinh tế nông nghiệp tuần hoàn cácbon thấp
Vườn nho Hạ Đen (xã Ninh Giang, Hoa Lư) được ngành Nông nghiệp Ninh Bình lựa chọn là mô hình có giá trị kinh tế cao, kết hợp khai thác dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Tỉnh cũng chỉ đạo tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc hữu, đặc trưng phục vụ du lịch, các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô phù hợp với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản, OCOP có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, kết nối bền vững chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội. 

Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với quy hoạch vùng và xây dựng, phát triển thương hiệu. Tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với đa giá trị. 

Đến nay, 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt 100%); 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 50/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 42%); 18/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 15,12%); có trên 542 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 40% số thôn, xóm, bản toàn tỉnh)...

Hiện, tỉnh đã có một số mô hình được đánh giá cơ bản đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Toàn tỉnh có hơn 4 nghìn ha lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ; khoảng 5 nghìn ha canh tác lúa cải tiến (SRI) với quy trình sản xuất giảm thuốc, giảm phân bón hóa học, giảm giống, tăng năng suất, là tiền đề để thực hiện canh tác lúa giảm phát thải.

Cùng với đó, một số mô hình nông nghiệp theo hướng sinh thái đa giá trị mang lại hiệu quả cho người nông dân và cộng đồng như: Đầm sen Hang Múa; cánh đồng lúa Tam Cốc; các sản phẩm OCOP từ sen, hoa cúc, sâm Cúc Phương… 

Đồng chí Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Những kết quả đạt được của nông nghiệp Ninh Bình hướng đến kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn là rất đáng ghi nhận, song chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, muốn đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng đến xây dựng thành công nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị, cần nhận diện đúng và đầy đủ những khó khăn, hạn chế. 

Đó là hạn chế về tư duy, nhận thức; truyền thống, tập quán canh tác thâm canh tăng năng suất, trong trồng trọt còn lạm dụng hóa chất, chăn nuôi và thủy sản sử dụng thức ăn công nghiệp; việc áp dụng khoa học công nghệ mới chỉ ở mức áp dụng từng phần, chưa hình thành chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến sâu và tiêu thụ. Ngoài ra, Ninh Bình còn hạn chế về quỹ đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; cơ chế, chính sách cụ thể cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa đủ mạnh.

Hướng đến kinh tế nông nghiệp tuần hoàn cácbon thấp
Vườn nho Hạ đen trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút nhiều du khách.

Về giải pháp khắc phục, đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: Với diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh có trên 29,6 nghìn ha, trong đó diện tích có rừng trên 26,7 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 19,62%. Nổi bật là khu rừng văn hóa - lịch sử - môi trường Hoa Lư; Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Những khu vực này cần được bảo vệ nghiêm ngặt. 

Ngoài ra, tỉnh còn có rừng phòng hộ ven biển, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực để có được gần 663,9 ha, trong khi rừng phòng hộ ven biển là rừng hấp thụ các-bon lớn nhất, tiềm năng Ninh Bình còn có thể mở rộng, hướng tới trao đổi tín chỉ các-bon. Để thực hiện được điều này, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; phát động phong trào trồng cây xanh cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các khu vực đê sông, đê biển, khu dân cư, khu du lịch, khu cụm công nghiệp… 

Vì vậy, chính quyền cần ưu tiên nguồn lực cho trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, có cơ chế ưu tiên thu hút đầu tư thực hiện các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng. Tương tự, trong trồng trọt và chăn nuôi, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, giảm sử dụng hóa chất độc hại, phân hóa học, thức ăn công nghiệp, rác thải nguy hại... 

Để đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển nông nghiệp như mục tiêu đã đề ra, tỉnh cũng cần quan tâm quy hoạch phát triển quỹ đất nông nghiệp chi tiết tới xã và thực hiện theo quy định. Đặc biệt là quy hoạch đất đai, cần chi tiết đối với đất lúa, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Từ đó xác định, định hướng các giải pháp, đặc biệt là cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp và đảm bảo thực hiện được quy hoạch chi tiết.

Cơ chế, chính sách là mấu chốt thúc đẩy thực hiện tổng thể các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, do đó tỉnh cần nghiên cứu thực hiện thí điểm các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, nông nghiệp hữu cơ, từ đó rút ra bộ tiêu chí, làm căn cứ để công nhận cơ sở, vùng, sản phẩm đạt tiêu chí kinh tế tuần hoàn, hữu cơ, giảm phát thải (tạo sự khác biệt với các sản phẩm thông thường, làm cơ sở để các địa phương áp dụng). Đồng thời có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ, đơn cử trồng lúa có chính sách hỗ trợ lúa theo hướng hữu cơ (sử dụng phân bón hữu cơ); chính sách hỗ trợ cải tạo thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu trong canh tác lúa SRI (giải pháp quan trọng để canh tác lúa giảm phát thải)...

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1