Khi bắt tay vào xây dựng huyện NTM nâng cao, Yên Khánh cũng gặp không ít khó khăn, như: ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19; dịch tả lợn châu Phi cùng với sự suy thoái kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Hình thức tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến nhưng chưa bền vững; nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Nguồn thu của huyện Yên Khánh còn gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững; chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, trên 70% số thu ngoài quốc doanh phát sinh từ lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách trên địa bàn. Một số cơ chế, chính sách về đất đai, tích tụ ruộng đất; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… chưa phát huy được hiệu quả gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Trước những khó khăn trên, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời ban hành các văn bản làm cơ sở để triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Trong đó quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, đó là: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực trong nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ".
Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí NTM. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, y tế, văn hóa, giáo dục và môi trường, chất lượng môi trường sống… Phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế so sánh, vai trò chủ thể của người dân trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, chú trọng xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở.
Trong quá trình chỉ đạo, huyện đã coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trực quan; tuyên truyền chuyên đề, lồng ghép trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của các tổ chức Đảng, các hội, đoàn thể; các chương trình tập huấn; tổ chức các cuộc thi "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới, Hội diễn nghệ thuật quần chúng "phong trào quần chúng tham gia giữ gìn ANTT góp phần xây dựng Nông thôn mới văn minh"…
Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò chủ thể của mình trong công cuộc xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu từ đó chủ động, tích cực tham gia.
Đặc biệt, nhằm tạo động lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và xuất phát từ thực tế triển khai thực hiện của địa phương, từ năm 2011 đến năm 2023, huyện Yên Khánh đã ban hành các cơ chế chính, sách hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn như: Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện quy hoạch chung cho các xã; hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ văn hóa truyền thống để duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật tại các thôn, xóm, phố trên địa bàn huyện, chỉnh trang cảnh quan các khu di tích lịch sử (50 triệu đồng/khu di tích); hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP (20 triệu đồng/sản phẩm); hỗ trợ phân loại rác, tự xử lý rác thải tại hộ gia đình ở các thôn, xóm, phố (15 triệu đồng/thôn, xóm, phố); hỗ trợ mua xe thu gom rác tại các xã, thị trấn, thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật… (5 triệu đồng/thôn, xóm, phố); hỗ trợ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 300 triệu đồng/xã; hỗ trợ cho xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 500 triệu đồng /xã; hỗ trợ cho thôn (xóm) đạt chuẩn thôn, xóm nông thôn mới kiểu mẫu 100 triệu đồng/thôn (xóm); hỗ trợ vườn mẫu các xã, thị trấn 5 triệu đồng/vườn; hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ,... Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời đã tạo động lực quan trọng để các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao, huyện Yên Khánh đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, huy động tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án của Trung ương, tỉnh, huyện, xã để đầu tư toàn diện kết cấu hạ tầng ở tất cả các lĩnh vực.
Trong giai đoạn 2019-2023, toàn huyện đã huy động trên 5 nghìn tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, trong đó ngân sách Nhà nước trên 1,9 nghìn tỷ đồng; huy động người dân và cộng đồng đóng góp trên 930 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác… Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được quy hoạch, nâng cấp, xây mới đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính liên thông kết nối vùng, liên vùng.
Trên địa bàn huyện có cao tốc Bắc-Nam chạy qua, cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đang được đầu tư; hệ thống đường tỉnh, đường huyện được đầu tư mới, mở rộng; các đường liên thôn, liên xã, được nâng cấp 100% nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; lắp đặt 250 km đường điện chiếu sáng, trồng 203 km đường hoa, cây xanh trên các trục đường và ở các khu dân cư tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp. Nợ xây dựng cơ bản được tập trung xử lý giải quyết dứt điểm, đến nay huyện không có nợ xây dựng cơ bản đối với các công trình do huyện làm chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện.
Thực hiện phương châm Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân góp công, nguyên vật liệu, phong trào nâng cấp đường giao thông nông thôn đã được nhân dân các xã đồng tình thực hiện. Đến nay, 100% xã đã có đường tới trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% thôn, xóm có đường ngõ, xóm bằng bê tông; đường giao thông trục chính nội đồng cơ bản được cứng hóa đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh; lắp đặt 250 km đường điện chiếu sáng, trồng trên 203 km đường hoa, cây xanh ven các trục đường và ở các khu dân cư...
Để rút ngắn dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, Yên Khánh đã quan tâm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Theo đó, sản xuất nông nghiệp được tập trung chỉ đạo theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, tạo chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đạt nhiều kết quả tích cực đưa Yên Khánh trở thành huyện đứng đầu về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: Có trên 277 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả (tăng 190 mô hình so với năm 2018), trong đó có 16 mô hình cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, đến nay huyện có 100% diện tích làm đất bằng máy, 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; có 25 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, huyện Yên Khánh chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, góp phần tạo chuyển dịch tích cực ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường, gắn với nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả. Trên địa bàn huyện có 2 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp, 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động trong huyện. Năm 2023 doanh thu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 18,8 nghìn tỷ đồng/năm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt trên 9 nghìn tỷ đồng/năm; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện hơn 3,5 nghìn tỷ đồng.
Phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các địa phương trong huyện diễn ra sôi nổi, góp phần mang lại sức sống mới, thay đổi diện mạo mới cho vùng nông thôn của huyện. Vai trò chủ thể của nông dân có sự chuyển biến rõ nét, nhân dân phấn khởi, tin tưởng và tích cực chung sức tham gia thực hiện các mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 2 xã NTM kiểu mẫu; 186/268 thôn, xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao, được các sở, ngành của tỉnh thẩm tra, xác nhận theo quy định, 99,75% tỷ lệ người dân hài lòng đối với kết quả xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn.
Với những nỗ lực không ngừng, Yên Khánh đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ NTM của cả nước. Ngày 21/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 551/QĐ-TTg công nhận huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây chính là thành quả kết tinh từ sự đồng thuận giữa "Ý Đảng, lòng dân", cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.