Tin mới nhất





Tập trung chống nóng cho cây trồng
Ninh Bình đang trải qua những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiều diện tích rau màu, lúa mới cấy đối mặt với nguy cơ héo úa, giảm năng suất, thậm chí chết. Để giảm thiểu thiệt hại, ngành Nông nghiệp và các địa phương cùng bà con nông dân thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp chống nóng cho cây trồng.
Tập trung chống nóng cho cây trồng

Nông dân xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình tăng cường cung cấp nước cho cây trồng trong những ngày nắng nóng.

Đứng ra nhận làm dịch vụ mạ khay, cấy máy trên diện tích khoảng 100 ha cho nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Yên Mô, những ngày này, điều mà ông Trịnh Quốc Quân, Giám đốc HTX Nam Thành, xã Yên Thành lo lắng nhất là làm sao để bảo vệ an toàn cho diện tích mạ khay đã gieo. Ông Quân cho biết: Làm mạ, đặc biệt là mạ khay ở vụ Mùa đặc biệt khó, chỉ cần 1-2 tiếng lơ là không kịp tưới là mạ sẽ bị táp đầu lá, thậm chí chết ngay lập tức. Bởi vậy, để ứng phó với nắng nóng, tôi đã đầu tư hệ thống tưới tự động, thời điểm từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều bơm tưới liên tục để giảm nhiệt độ, làm mát và cung cấp đầy đủ độ ẩm cho cây mạ. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời tiết nắng nóng diễn ra đúng vào thời điểm gieo cấy lúa mùa nên nông dân đã chủ động thay đổi giờ làm việc, chỉ tập trung gieo cấy vào sáng sớm và chiều mát nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến sinh trưởng của cây lúa sau cấy. Các địa phương cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh xây dựng lịch bơm nước, cấp nước cụ thể, điều tiết và đảm bảo nguồn nước tưới dưỡng lúa. Không chỉ ảnh hưởng đến cây mạ, nông dân tại nhiều vùng trồng rau trên địa bàn tỉnh như: Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình), Yên Ninh, Khánh Hồng, Khánh Mậu (huyện Yên Khánh), Yên Lộc (huyện Kim Sơn)... cũng đang rất lo lắng khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây rau. 

Ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn Đoài Thượng (xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất, minh chứng là hiện nay hành, rau thơm ngoài chợ đang không có để bán. Như ruộng hành của gia đình tôi đang táp hết đầu lá. Do đó, những ngày gần đây, các hộ dân trên địa bàn xã đều phải dậy sớm để ra đồng tưới đủ nước cho rau và đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để giảm bớt sự ảnh hưởng. 

Thời điểm này, cũng là chính vụ dứa ở thành phố Tam Điệp. Đây là loại cây trồng chịu hạn rất tốt, tuy nhiên ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, gặp nắng gắt thì quả rất dễ bị cháy, thối hỏng. Để ứng phó, người trồng dứa đã sáng tạo dùng dây để buộc lá bao bọc, che chắn cho quả dứa, tránh được thiệt hại. 

Ông Trần Văn Quy, đội Trại Vòng, xã Quang Sơn chia sẻ: Để bảo vệ cho 1 ha dứa sắp thu hoạch, 3-4 tháng trước tôi đã mua 2 triệu tiền dây, thuê gần 10 triệu tiền nhân công để buộc toàn bộ quả. Chi phí lớn nhưng trong mùa nắng nóng yên tâm không bị hỏng quả. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở khu vực miền Bắc trong những ngày tới. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng, nóng cho cây trồng để giảm thiệt hại về kinh tế cũng như hạn chế dịch bệnh phát sinh. 

Kỹ sư Đan Thị Ngọc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong những ngày nắng nóng, mặt đất rất dễ bị bay hơi nước gây khô hạn. Mặc dù bà con nông dân cung cấp nước thường xuyên nhưng cường độ nắng gay gắt trong ngày cũng sẽ làm cho nước bay hơi hết, cây thiếu nước và khó phát triển. Bởi vậy, bà con nên làm màng ni lông đen, rơm rạ, cỏ khô hoặc bao xi măng… phủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm. 

Kết hợp sử dụng màng che, lưới che nắng hoặc trồng rau trong nhà màng, nhà lưới để giảm lượng ánh nắng trực tiếp. Nếu có điều kiện, bà con nên lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt rất phù hợp với cây rau ăn lá, cây rau màu, vừa giảm thiểu công lao động, thời gian tưới rau, tiết kiệm nước tưới và đạt hiệu quả cao trong thời tiết nắng nóng. 

Riêng đối với mạ, bà con cần kiểm tra thường xuyên, duy trì đảm bảo ruộng mạ đủ độ ẩm bằng cách đưa nước tưới vào rãnh hoặc tưới lên trên ruộng mạ vào buổi sáng sớm và chiều mát, tránh tưới trực tiếp lên cây mạ vào lúc nắng nóng. Bổ sung lân supe giúp bộ rễ khỏe, tăng sức chống chịu cho cây. Ban ngày dùng lưới đen che nắng cho mạ, tạo khum vòm có độ cao cách mặt luống mạ khoảng 40 - 50cm. 

Với mạ khay, mạ nền, do lớp đất giá thể mỏng nên dễ bị ảnh hưởng hơn thì bà con có thể sử dụng lưới đen để che bớt nắng vào khoảng thời gian từ 10h - 15h trong ngày. Đồng thời cần chăm sóc cho cây mạ sinh trưởng và phát triển tốt, tuyệt đối không được bón đạm urê cho cây mạ, nếu mạ có biểu hiện thiếu dinh dưỡng, cằn vàng, có thể sử dụng phân bón qua lá để phun cho mạ. 

Ngoài ra, bà con cũng cần lưu ý, nên tiến hành cấy khi cây mạ đạt 2,5 - 3 lá, tức là sau khi gieo 12 - 13 ngày, không nên cấy khi cây mạ còn non hoặc cây mạ già để đảm bảo tỷ lệ sống, bén rễ hồi xanh nhanh nhất. Sau khi cấy, cần duy trì lớp nước trên mặt ruộng từ 3 - 5 cm để đảm bảo cây lúa không bị nóng, đặc biệt không được để ruộng khô nẻ sẽ làm cho cây lúa bị ảnh hưởng trực tiếp, có thể gây chết làm khuyết dảnh, khuyết khóm, ảnh hưởng đến mật độ và năng suất lúa sau này. 

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1