Tin mới nhất





Khắc phục tình trạng lúa xuân chậm phát triển
Từ sau khi cấy lúa xuân đến nay, thời tiết luôn duy trì nền nhiệt độ thấp, trời âm u, ít nắng, khiến các trà lúa xuân xảy ra tình trạng chậm phát triển.
Khắc phục tình trạng lúa xuân chậm phát triển

Nông dân xã Ninh Mỹ (Hoa Lư) bón phân thúc đẩy sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Nền nhiệt thấp, thiếu nắng 

Trong tiết trời mưa phùn, âm u nhưng trên cánh đồng lúa xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, hầu như thửa ruộng nào cũng có nông dân đang cần mẫn chăm bón. Vừa nhanh tay tỉa dặm vừa tìm nhặt ốc bươu vàng trên 2 sào lúa, bà Vũ Thị Hiên cho hay: "Diện tích này tôi gieo vãi từ mùng 4 Tết, đến giờ là hơn 1 tháng rồi mà vẫn lơ thơ như thế này. Đó là chưa kể mấy hôm trước, tranh thủ HTX bơm nước vào, gia đình đã vãi đạm, cây lúa mới hồi xanh được như thế này, chứ bữa nọ trời rét, kèm sương muối, lá lúa đỏ quạch. Những ngày này, tranh thủ thời tiết ấm lên, mặc cho mưa phùn nặng hạt, tôi vẫn phải ra đồng tỉa, dặm lại những chỗ khuyết cây do chuột, ốc bươu vàng cắn hại"... 

Tương tự như vậy, tại cánh đồng Cung, xã Ninh Mỹ, nhiều nông dân cũng đang lo lắng trước tình trạng lúa chậm phát triển nên sớm, chiều ra đồng điều tiết nước, chăm sóc, bón phân... mong cây lúa sớm phát triển khỏe mạnh. 

Chị Trương Thị Hoa (xóm Phong Hòa) cho biết: Hơn 1 mẫu ruộng này gia đình tôi xuống giống muộn, gặp ngay giai đoạn thời tiết âm u nên cây lúa lên chậm. Hôm nay, tôi phải mang phân đạm ra bón nhử. Hy vọng trời nắng ấm lên, đám ruộng của gia đình sẽ lấy lại được đà sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Hơn 39 nghìn ha lúa xuân của Ninh Bình được bà con nông dân gieo cấy tập trung từ ngày 4/2 đến 25/2. Tuy nhiên, từ sau khi cấy đến nay, thời tiết liên tục duy trì nền nhiệt độ thấp. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thống kê trong 10-15 năm gần đây ở miền Bắc, ít có đợt rét đậm, rét hại diện rộng nào kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng dưới 15 độ và vùng núi dưới 13 độ như vừa qua. Những ngày gần đây, tuy thời tiết đã ấm lên nhưng trời vẫn âm u, thiếu nắng. Chính những điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ sinh trưởng phát triển của cây lúa nói riêng cũng như nhiều cây rau màu khác. 

Tăng cường chăm bón 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, cơ bản toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh được gieo cấy xong trước ngày 25/2, đảm bảo khung lịch thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, sau khi gieo cấy, do thời tiết không thuận lợi, nền nhiệt độ thấp, số ngày nắng ít nên các trà lúa sinh trưởng phát triển chậm hơn so với mọi năm. Hiện nay, trà xuân sớm đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng, trà xuân muộn đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. 

Khuyến cáo về một số kỹ thuật tác động và biện pháp canh tác trước tình trạng lúa chậm phát triển, kỹ sư Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Trước tiên, bà con phải duy trì lượng nước thích hợp cho cây lúa phát triển, nhất là các diện tích lúa gieo vãi; đối với lúa non, nên đảm bảo mực nước khoảng 2-3 cm. Thứ hai là phải bón thúc kịp thời, nhiều nơi nông dân vẫn có tập quán gieo cấy chay (không bón lót) nên cây lúa non sau gieo cấy bị thiếu hụt dinh dưỡng, gặp thời tiết bất lợi dễ bị chết dần, nhất là lúa gieo thẳng. Vì vậy, trên trà xuân muộn, bà con nếu chưa bón thúc lần 1 thì phải khẩn trương chăm bón ngay. Tuy nhiên, có một lưu ý là phải đảm bảo tỷ lệ, liều lượng cân đối giữa các loại phân; không nên bón quá nhiều phân đạm vì giai đoạn này thời tiết âm u, nếu bón nhiều đạm, lúa sẽ dễ nhiễm sâu bệnh. Riêng với trà xuân sớm, đây là thời điểm thích hợp cho bà con bón thúc lần 2 để đón đòng, bón hết lượng phân kali còn lại. 

Ngoài ra, những ngày gần đây, trời âm u, sương mù nhiều, mưa phùn vào buổi sáng và các buổi chiều tối là cơ hội cho bệnh đạo ôn lá ở cây lúa phát triển. Vì vậy, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm khi bệnh mới xuất hiện. Đặc biệt, cần lưu ý ở những ruộng xanh tốt, lại gieo cấy những giống lúa dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn như TBR 225, Thái Xuyên 111, Bắc thơm, Thiêu ưu 8, Đài thơm... 

Cùng với đó, thường xuyên duy trì việc đánh bắt chuột, ốc bươu vàng cũng như làm cỏ kết hợp với sục bùn, phát hiện nhổ bỏ lúa cỏ. Biện pháp phòng trừ tốt nhất lúc này là dùng các biện pháp bẫy, bắt thủ công, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa vốn đang non yếu. Đối với chuột, nên tổ chức thành chiến dịch toàn dân ra đồng đào bắt chuột bảo vệ mùa màng và môi sinh. Đối với ốc bươu vàng, dùng thủ công bắt và sử dụng làm thức ăn rất tốt cho chăn nuôi gà, vịt, lợn… 

Giai đoạn này lúa chậm phát triển, nhưng chưa chắc đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng sau này. Tuy nhiên, điều chắc chắn là sẽ làm kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa, ảnh hưởng đến lịch thời vụ. Do vậy, các địa phương cần chủ động tính toán bố trí lịch gieo cấy, cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ mùa tiếp theo.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1