Bắt đầu từ mỗi nhà, mỗi làng xóm
Về Kim Sơn hôm nay, không ai có thể phủ nhận vẫn là những làng, xóm đã hình thành từ bao đời, nhưng nay như khoác một tấm áo mới lộng lẫy hơn nhiều lần. Dễ nhận thấy nhất là những con đường được cứng hóa rộng rãi với đủ loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc, phía trong làng là những ngôi nhà kiên cố khang trang... hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại đã làm bộ mặt làng quê ở huyện ven biển Kim Sơn đổi thay kì diệu.
Sự đổi thay kì diệu ấy thể hiện rõ nét trên mảnh đất đầy nắng và gió xã Kim Trung, những công trình dân sinh khang trang, những con đường bê tông thẳng tắp đã thay thế cho cung đường lầy lội bùn đất năm nào. Từ xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Sơn, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2005 chỉ đạt 8,1 triệu đồng/năm, thì đến nay đạt 58 triệu đồng/ người/năm, tất cả đã gợi lên sắc màu của sự no ấm, ổn định và hạnh phúc.
Chủ tịch UBND xã Kim Trung Vũ Trường Thu bộc bạch: Kinh tế khấm khá hơn, việc huy động sức dân xây dựng NTM thuận lợi hơn nhiều. Chính vì vậy, người dân xã ven biển Kim Trung đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công ... để xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình phúc lợi, dồn điền đổi thửa và làm mới, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng...
Năm 2021, xã Kim Trung được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM; năm 2023 UBND huyện công nhận xóm 2 đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường học được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại. Cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn được quan tâm đầu tư, 6/6 xóm có nhà văn hóa, khu thể thao và điểm vui chơi cho trẻ em. 100% số hộ được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 100% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt và chiếu sáng... Chương trình xây dựng NTM bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực, dần thay đổi nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân.
Bà Phạm Thị Hoa, xã Kim Trung bày tỏ: "Mỗi sáng thức dậy, bước ra khỏi cổng là con đường đẹp khang trang, tôi cứ ngỡ là mình đang mơ. Từ ngày có NTM về, quê hương tôi đổi thay nhiều quá. Đời sống của người dân chúng tôi nâng lên rõ rệt. Chúng tôi cảm ơn các cấp trên rất nhiều...".
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân, hàng loạt các cuộc vận động và phong trào đang được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh như: Hội Phụ nữ nổi bật với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" và phong trào "Nhà sạch vườn đẹp"; Hội Nông dân với phong trào "Nói không với thực phẩm bẩn", phong trào "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"; Hội Cựu chiến binh nổi bật trong vận động hội viên tham gia góp của, góp công xây dựng NTM, làm kinh tế; Đoàn Thanh niên với các phong trào "Thắp sáng đường quê", "Ngày thứ Bảy tình nguyện", "Chủ nhật xanh", Chương trình "khởi nghiệp", "Trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng NTM"...
Nông thôn mới ở Ninh Bình không chỉ là làm mới ở các công trình kết cấu hạ tầng được nhà nước đầu tư mà mới trong nếp nghĩ, cách làm và được bắt đầu từ sự chuyển động của mỗi con người, mỗi nhà, mỗi làng xóm. Chính vì vậy, Ninh Bình là tỉnh đầu tiên đóng góp sáng kiến đưa nội dung "lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân" vào tiêu chí đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn NTM (tiêu chí số 20).
Sáng kiến của Ninh Bình được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và triển khai trên toàn quốc. Điều này đã tạo hiệu ứng tốt, được xem là kênh thông tin quan trọng để các cấp nắm bắt được chỉ tiêu nào người dân chưa hài lòng, từ đó đưa ra giải pháp, tiến độ xử lý, đảm bảo xây dựng NTM bền vững.
Phát huy thế mạnh của địa phương
Ninh Bình được ví như một Việt Nam thu nhỏ với đầy đủ miền biển, vùng núi đồng bằng. Địa hình đa dạng và phức tạp cộng với dân cư không tập trung ở nông thôn là điều kiện không mấy thuận lợi khi Nhà nước đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Bên cạnh đó, bước vào xây dựng NTM Ninh Bình được đánh giá xuất phát điểm thấp hơn so với một số tỉnh trong khu vực như Nam Định, Thái Bình... Năm 2011, bước vào xây dựng NTM, bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 4,8 tiêu chí/xã, có 1 xã đạt trên 10 tiêu chí; thu nhập bình quân khu vực nông thôn 13,2 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao (12%)...
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chia sẻ: Xác định xây dựng NTM là một quá trình, đi lên không ngừng nghỉ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với thực tế, không sa vào "bệnh thành tích", mà lấy hiệu quả thực chất làm mục tiêu số 1. Do đó, Ninh Bình đã nêu cao vai trò chủ thể của Nhân dân với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Cùng với đó, tỉnh đã ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh, linh hoạt, đảm bảo nguồn lực để hỗ trợ các địa phương, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của xã hội.
Những cơ chế, chính sách đặc thù mà Ninh Bình đã ban hành trong quá trình xây dựng NTM có thể kể đến như cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn xã... Điều này đã khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong Nhân dân làm thay đổi thực sự bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đến nay, 100% các xã có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đạt chuẩn tiêu chí NTM, trong đó có ít nhất 25,2% số xã đạt chuẩn ở mức nâng cao. Toàn tỉnh đã làm được 16.904 tuyến đường với tổng chiều dài 2.138,7 km; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 96,6%; 100% xã có nhà văn hóa xã. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,01%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,37%. Toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% thôn, xóm được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu...
Đến Ninh Bình hôm nay đâu đâu cũng bắt gặp những con đường bê tông rộng rãi cùng với những đường cây xanh mướt, đường hoa khoe sắc, những ngôi nhà khang trang, những công trình văn hóa-thể thao đạt chuẩn, những làng quê như phố, thu nhập người dân ngày càng cao, hộ nghèo giảm đáng kể, thực sự là một cuộc "đổi đời" của mỗi làng quê, mỗi gia đình và mỗi người dân miền đất Cố đô lịch sử hào hùng.