Tin mới nhất





Bàn giải pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên lúa Đông xuân giai đoạn cuối vụ
Sáng 25/4, Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Bắc phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống sinh vật hại chính trên lúa giai đoạn cuối vụ Đông xuân 2023-2024 các tỉnh phía Bắc.
Bàn giải pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên lúa Đông xuân giai đoạn cuối vụ

Các đại biểu dự hội nghị.

Tham dự có lãnh đạo Cục BVTV, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình, Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA); lãnh đạo Chi cục BVTV các tỉnh phía Bắc; đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. 

Vụ Đông xuân 2023-2024 các tỉnh phía Bắc gieo trồng hơn 703 nghìn ha lúa. Do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là đợt rét nửa đầu tháng 2 đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, dự tính lúa các tỉnh sẽ trỗ muộn hơn so với vụ Đông xuân trước từ 5-7 ngày. Ngoài ra, các đối tượng sâu bệnh hại chính trên lúa như đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, chuột... có diện tích phân bố và mức độ hại cao hơn so với vụ Đông xuân 2022-2023. Đặc biệt, sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 có mật độ và diện tích nhiễm cao hơn rất nhiều so với cùng lứa năm trước, tính đến ngày 18/4, đã có trên 60 nghìn ha lúa bị nhiễm.

Dự báo, từ nay đến cuối vụ, tình hình sâu bệnh hại tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh, phát triển mạnh trên các giống nhiễm, diện tích bị đạo ôn lá nặng. Với sâu cuốn lá nhỏ, sâu non lứa 2 nở và gây hại tập trung từ ngày 25/4 đến đầu tháng 5, phân bố chủ yếu trên các trà lúa Xuân chính vụ, Xuân muộn giai đoạn đòng trước trỗ. Nhiều nơi mật độ sâu có thể lên tới 50-100 con/m2, cá biệt có nơi lên tới 500 con/m2, nhất là các tỉnh ven biển. Ngoài ra, rầy lứa 2 cũng tiếp tục ra rộ, diện phân bố rộng, mật độ phổ biến 500-700 con/m2, nơi cao 2.000-5.000 con/m2, nếu không phun trừ tốt khả năng gây cháy ổ nhỏ vào giai đoạn giữa đến cuối tháng 5.

Tại tỉnh Ninh Bình, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại đến ngày 16/4 là trên 6.700 ha (gấp gần 7 lần so với cùng kỳ vụ Đông xuân 2022-2023). Trong đó diện tích nhiễm nặng là 664,5 ha (gấp nhiều lần so với cùng kỳ vụ Đông xuân 2022-2023), diện tích đã phòng trừ là 3.800,5 ha. Các đối tượng sinh vật hại chính như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, chuột, bệnh đạo ôn lá.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các đại biểu nhận định tình hình sâu bệnh hại trên vụ Đông xuân năm nay đang rất phức tạp và đề xuất nhiều giải pháp để phòng trừ, kiểm soát tốt tình hình, đảo bảo năng suất lúa cuối vụ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương yêu cầu: Các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng; nhận định chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại để tham mưu kịp thời cho chính quyền các cấp chủ động công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại tại địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn đúng. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ổn định thị trường kinh doanh thuốc BVTV, phục vụ tốt cho công tác phòng trừ dịch hại. Lưu ý, riêng đối với sâu cuốn lá nhỏ, hiện mật độ trên đồng ruộng đang rất cao, mỗi tỉnh phải tổ chức điều tra, bám sát diễn biến, chọn thời gian phun trừ thích hợp để đảm bảo hiệu quả nhất (dự kiến thời gian phun tập trung từ ngày 25/4 đến 5/5/2024).

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1