Ninh Bình: Mở rộng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
09/01/2024
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Từ phương thức sản xuất truyền thống, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.
Ảnh minh họa
Với nhiều chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, mỗi năm ngành Nông nghiệp Ninh Bình đã thực hiện bình quân 100 đề tài, chương trình, dự án, trên 400 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, mà qua triển khai đề tài có nhiều sản phẩm được đánh giá cao, xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Năm 2023, toàn ngành thực hiện trên 60 đề tài, chương trình, qua đó đã góp phần giúp các hợp tác xã, hộ nông dân tìm ra phương thức sản xuất mới, có hiệu quả để áp dụng trên diện rộng.
Đáng chú ý, đã phục hồi và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản như: khoai sọ Yên Quang, dứa Đồng Giao, dê núi Ninh Bình, cơm cháy, mắm tép Gia Viễn, ngao Kim Sơn, đào phai Tam Điệp, chè Ba trại Quang Sỏi, cá rô Tổng Trường, trà hoa vàng,... Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt với diện tích sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước ngày càng tăng, đã hình thành 17 vùng rau củ quả an toàn; 6 vùng cây ăn quả như: dứa, chuối, ổi, na và cây có múi... cho thu nhập trung bình 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Theo nbtv.vn