Lãi khủng
Sau cơn mưa rào do đợt không khí lạnh tăng cường, nắng lại trải dài khắp các cánh đồng nuôi trồng thủy sản vùng bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn. Chúng tôi ghé thăm khu nuôi tôm của gia đình ông Trần Văn Huệ (xóm 2, xã Kim Đông).
Với tổng diện tích 10 mẫu, ông Huệ dành 3 mẫu làm ao nuôi, còn lại là hệ thống xử lý nước ra, nước vào. Các ao nuôi đều được thiết kế hình tròn có lót bạt, trên có mái che nhằm duy trì ổn định nhiệt độ.
Hôm nay tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình ông tập trung nhân lực nhân lực sửa sang, kiểm tra, đưa nước vào các ao để chuẩn bị san tôm từ các ao ương ra.
Ông Huệ chia sẻ: Vụ đông thời tiết lạnh, tôm chậm lớn, nên thời gian nuôi kéo dài 4 - 5 tháng mới đạt trọng lượng dưới 100 con/kg để thu hoạch. Điều này kéo theo những rủi ro bởi dịch bệnh, rồi những biến thiên về môi trường. Tuy nhiên, bù lại, vụ đông, nguồn tôm khan hiếm nên giá luôn ở mức cao từ 350 - 380 nghìn đồng/kg (thông thường các vụ trong năm chỉ từ 150-200 nghìn đồng/kg) nên lợi nhuận mà tôm vụ đông đem lại rất lớn.
Như năm ngoái trên diện tích này, gia đình thu về cả tỷ đồng. Năm nay, tiếp đà thắng lợi, tôi đã xuống giống được 45 vạn con tôm giống, dự kiến sẽ thu tập trung từ dịp Tết thanh minh trở đi.
Cũng là một trong những hộ tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, anh Phạm Văn Học ở xóm 4, xã Kim Hải cho biết: Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh đã bỏ ra gần chục tỷ đồng đầu tư xây dựng 7 ao nuôi tròn lót bạt, mỗi ao có diện tích khoảng 450m2, trên có mái che hình chóp nón sử dụng khung cáp chịu lực với 3 lớp lưới, nilon che phủ. Do vậy ao nuôi có khả năng chống rét, giữ ấm về mùa đông, nhiệt độ luôn đảm bảo cho con tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
Vụ đông năm nay, anh thả gối lứa khoảng 60 vạn giống, đảm bảo có tôm bán rải rác từ quanh Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 dương lịch năm sau.
Về kinh nghiệm nuôi tôm vụ đông, anh Học cho biết: Hiện nay, thời tiết có những biến đổi rất thất thường. Vụ đông nhưng nhiều ngày nhiệt độ lên tới 25 - 29 độ C, nên phải theo dõi để hạ lưới che ấm hoặc kéo lưới lên nhằm điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Việc cho ăn cũng vậy, tùy theo giai đoạn phát triển khác nhau của con tôm mà cho ăn, giai đoạn nhỏ thì cho ăn ít bữa, giai đoạn lớn thì ngày có thể cho ăn tới 5 bữa. Ngoài ra, cần tăng cường bổ sung vitamin C các khoáng chất, chể phẩm vi sinh để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho con tôm, thường xuyên thay nước, đảm bảo môi trường sạch sẽ cho tôm phát triển...
Nhờ nắm chắc kỹ thuật, nên qua hơn 3 năm sản xuất, trại tôm của anh Học liên tục giành thắng lợi, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng chục tấn tôm, thu về cả tỷ đồng.
Cẩn trọng để tránh rủi ro
Thực tế, việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao ngày càng được người nuôi tôm ở các xã ven biển huyện Kim Sơn quan tâm. Nhiều quy trình, công nghệ mới được bà con áp dụng như: quy trình Biofloc, quy trình nuôi nhiều giai đoạn, nuôi công nghệ lọc tuần hoàn....
Đặc biệt, diện tích nuôi tôm trong nhà kín trong vụ đông đã tăng lên nhanh chóng, nếu như những năm 2016 chỉ có một vài hộ thí điểm thì nay diện tích này đã tăng lên khoảng 100 ha. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù hình thức nuôi này đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nhưng cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro.
Ông Dương Viết Lynh, một trong những hộ tiên phong nuôi tôm vụ đông tại khu vực Cồn Thoi cho biết, nuôi tôm vụ đông gặp rất nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao cùng với bề dày kinh nghiệm của người nuôi. Công nghệ dù có tốt đến mấy nếu chủ quan lơ là, không sát sao với đàn tôm là mất trắng.
Nhiều khi nước để cả tháng không sao nhưng chỉ cần một trận mưa là pH thay đổi, một đợt gió mùa về chất lượng nước cũng thay đổi mà mùa đông thời tiết cứ thay đổi liên tục như vậy. Khi tôm yếu, cần phải thay nước ngay nhưng nhiệt độ giữa bể trữ và bể nuôi khác nhau nếu thay không cẩn thận gây sốc nhiệt, sốc môi trường lại thành ra mất luôn vụ tôm.
Để giúp bà con chăn nuôi an toàn, trước khi bước vào vụ đông, ngành chuyên môn đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi về phương pháp nuôi, xử lý ao đầm, phòng chống dịch bệnh...
Bên cạnh đó, thường xuyên lấy mẫu quan trắc môi trường đất, nước, thông báo rộng rãi kết quả để làm cơ sở cho bà con có các biện pháp xử lý phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Trung Tiến, Trạm Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Quản lý ao nuôi mùa lạnh cần đặc biệt lưu ý ô xy hòa tan, khí độc NO2. Quản lý độ kiềm ở mức 120 - 150ppm. Nguồn nước bổ sung hoặc thay phải xử lý sạch.
Về dịch bệnh, có 2 bệnh chính là hồng thân (SEMBV), bệnh đốm trắng. Các bệnh này xuất hiện chủ yếu vào mùa lạnh khi nhiệt độ xuống thấp, tác động ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm, nhưng tỉ lệ chết cao nhất thường xuất hiện từ 1-2 tháng sau thả giống. Mầm bệnh có trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài thông qua nguồn nước, các ký chủ trung gian. Đây là 2 bệnh có tác nhân là virus, gây tỷ lệ chết cao, chưa có thuốc chữa do đó cần quản lý phòng bệnh chặt chẽ.
Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, do thời vụ thả nuôi tôm đông bắt đầu từ cuối tháng 8 đến tháng 2 năm sau, thường phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, nên các hộ chỉ nuôi khi đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất. Đồng thời phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thì sản xuất mới đạt hiệu quả cao.