Tin mới nhất





Nông dân Nho Quan, Gia Viễn tập trung cấy lúa đông xuân sớm
Thời điểm này, nông dân các xã vũng trũng, ven đê thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn đang tập trung vật tư, nhân lực, khẩn trương cấy lúa đông xuân sớm. Cái khó của bà con là phải làm sao vừa khéo léo né được thời tiết rét đậm, rét hại trong mùa đông, vừa đảm bảo đúng thời vụ để lúa chín, thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn tháng 5 về.
Nông dân Nho Quan, Gia Viễn tập trung cấy lúa đông xuân sớm

Nông dân xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn cấy lúa đông xuân sớm.

Tranh thủ nắng ấm, bà Trần Thị Kính (thôn Lạc 2, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan) ra đồng mở nilon để bón thêm phân lân và tro bếp, đồng thời luyện cho mạ quen dần với môi trường bên ngoài. Bà Kính cho biết: Cánh đồng này trũng như cái lòng chảo vậy, nên năm nào nông dân chúng tôi cũng phải cấy sớm hơn các nơi khác để thu hoạch sớm, không nước lũ tiểu mãn về là mất trắng. Có điều cấy sớm thì lại hay gặp các đợt rét đậm, rét hại, nên phải đặc biệt chú ý theo dõi thời tiết, nếu nhiệt độ dưới 15 độ C thì tuyệt đối không cấy cũng không bón đạm. Hiện nay có kỹ thuật làm mạ che phủ nilon nên nông dân không phải lo nữa, trước đây cứ rét sương muối xuống là mạ vàng úa, chết cả loạt, đến thời vụ không đủ mạ để cấy. Lạc Vân là xã vùng lũ của huyện Nho Quan, đa phần diện tích gieo cấy nằm ở ngoài đê, chỉ gieo cấy được một vụ Đông xuân. Do vậy, xã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để sản xuất ăn chắc, đảm bảo an ninh lương thực cũng như ổn định đời sống của Nhân dân. 

Đồng chí Lưu Thị Hưng, Chủ tịch UBND xã Lạc Vân cho biết: Chúng tôi yêu cầu HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch để tổ chức tốt các khâu dịch vụ phục vụ bà con, đặc biệt việc làm đất phải đảm bảo nhanh, gọn, đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, phối hợp với các thôn, xóm tăng cường bảo vệ nguồn nước và thực hiện điều hành tháo, mở cống, chủ động sửa chữa các tuyến kênh mương và lắp đặt hệ thống máy bơm đảm bảo đủ nước sản xuất. Hiện nay, bà con đã gieo xong mạ, việc làm đất cũng đã hoàn thành cơ bản, vài ngày tới nếu thời tiết thuận lợi sẽ tập trung cấy để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Không chỉ có Lạc Vân, hiện nay các xã vùng trũng, ngoài đê của huyện Nho Quan như Gia Thủy, Đức Long, Gia Tường, Thượng Hòa..., bà con nông dân cũng gấp rút vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị phân bón, lấy nước, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa đông xuân sớm. 

Còn xuôi xuống xã Gia Tiến, trên cánh đồng nằm ven đê tả sông Hoàng Long, mặc dù đã quá trưa nhưng bà con nông dân vẫn đang tất bật, người nhổ mạ, người cấy lúa, chuyện trò rôm rả cả một vùng. Gia đình chị Nguyễn Thị Định ở thôn Xuân Lai vụ này cấy 3 mẫu ruộng nên phải thuê thêm 5 nhân công cấy mới đảm bảo được thời vụ. 

Chia sẻ với chúng tôi, chị Định cho biết: Ruộng này cả năm chỉ cấy được một vụ nhưng bù lại nhờ được phù sa bồi đắp nên cây lúa ít bị sâu bệnh, không mấy khi phải sử dụng thuốc BVTV, năng suất, chất lượng gạo rất thơm ngon. Năm nay, gia đình tôi cấy chủ yếu là giống Nếp 97 phục vụ đơn đặt hàng của một công ty làm cơm cháy ở thành phố Ninh Bình. 

Huyện Nho Quan có 1.800 ha và Gia Viễn có gần 600 ha thuộc vùng ngoài đê, thấp trũng, phải phải tổ chức gieo cấy lúa đông xuân sớm để thu hoạch trước ngày 20/5 nhằm tránh lũ Tiểu mãn. Để đảm bảo thắng lợi cho diện tích này, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan, Gia Viễn đã hướng dẫn lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa cho lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và các HTX, tổ đội sản xuất, từ đó tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng thực hiện. 

Theo đó, thời gian gieo mạ tập trung vào nửa đầu tháng 12/2023, gieo cấy từ ngày 1/1-15/1/2024. Về giống, chỉ chọn các giống lúa thuần, lúa lai có sức chống chịu tốt với thời tiết, sâu bệnh và có thời gian sinh trưởng ngắn như: Thục hưng 6, Nhị ưu 838, Quốc tế 1, Thái Xuyên 111, C.Ưu đa hệ số 1, Thiên ưu 8, KD 18… để gieo cấy. Ngoài ra, cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc mạ cho phù hợp, che phủ nilon để tránh rét đậm, rét hại và phòng ngừa rầy trích hút làm lây lan bệnh lùn sọc đen. Không cấy mạ già quá 5 lá, không cấy khi nhiệt độ ngoài trời quá 15 độ C. 

Đồng chí Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan cho biết: Năm 2024, tiết Đại hàn vào ngày 21/1/2024 (tức ngày 11 tháng Chạp âm lịch), đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm, rét hại cao nhất trong năm. Do vậy, chúng tôi đôn đốc các địa phương có lúa xuân sớm tập trung cấy trước thời điểm này ít nhất 5-7 ngày, để cây lúa có thời gian bén rễ hồi xanh, tăng khả năng chống chịu với thời tiết. Đặc biệt, bà con phải hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 20/1. 

Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn cần chỉ đạo các HTX chủ động ký hợp đồng với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện để đảm bảo đủ nước phục vụ làm đất, gieo cấy, chăm sóc cho diện tích cây trồng của đơn vị mình vì ở vụ đông xuân, nước còn giống như một lớp áo để bảo vệ cho cây lúa. 

Hiện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phân công cán bộ xuống cơ sở nắm vững tình hình sản xuất, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp gieo trồng, chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật, thời vụ sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1