Tin mới nhất





Yên Khánh, tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ Đông xuân
Hiện nay, các trà lúa Đông xuân trên địa bàn huyện Yên Khánh đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Thời tiết những ngày qua mưa nắng đan xen… tạo điều kiện cho bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại. Hiện ngành chức năng đang theo dõi, dự báo tình hình dịch bệnh, từ đó hướng dẫn người dân phòng trừ hiệu quả.
Yên Khánh, tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ Đông xuân

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra tình hình sâu bệnh tại xã Khánh Nhạc.

Chúng tôi đến xã Khánh Trung, hình ảnh những cánh đồng lúa trải dài tít tắp được nhuộm bởi màu xanh non của vụ lúa đang vào thời kỳ đứng cái, làm đòng. Vụ Đông xuân năm nay, xã Khánh Trung có kế hoạch gieo cấy 633 ha, trong đó 250 ha được Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang ký kết cung cấp giống lúa Hương Bình, nếp hương và phân bón hữu cơ cho bà con theo phương thức trả chậm 50%, đồng thời ký kết bao tiêu toàn bộ nông sản cho bà con sau khi thu hoạch lúa. Đối với diện tích còn lại được cấy bằng các giống Đài thơm, Thiên Phú. 100% diện tích được cấy bằng trà xuân muộn. 

Với việc đưa vào gieo cấy theo hướng hữu cơ, đưa máy cấy vào sản xuất, nông dân chẳng phải vất vả, mọi việc đã có tổ hợp tác lo, 3- 4 ha chỉ cấy trong 1 ngày là xong. Ngoài ra, ở phương thức sản xuất mới này, thay vì bỏ ra 20 triệu đồng/ha/vụ để bón các loại phân vô cơ như: đạm, lân, kali; phun thuốc cỏ, thuốc trừ sâu 3- 4 lần/vụ vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến độ phì của đất, vừa hủy hoại môi trường sống của các loại tôm cá và thiên địch, giờ đây đã chuyển sang dùng phân bón hữu cơ và các dòng thuốc BVTV sinh học, nhờ vậy môi trường đã được phục hồi nhanh chóng, tình trạng sâu bệnh gây hại giảm đáng kể so với những vụ trước khi chưa chuyển đổi.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Nguyễn Thanh Tương ở xóm 3, xã Khánh Trung đã ra đồng chuẩn bị thuốc phun trừ bệnh đạo ôn lá và khô vằn. Ông Tương cho biết: Thời kỳ này lúa đang giai đoạn đứng cái, làm đòng nhưng sâu bệnh phát triển nhanh theo từng ngày, nếu không phun trừ ngay, nguy cơ thất thu sẽ rất cao. Không chỉ có bệnh trên cây lúa, mà tình trạng chuột cắn lúa cũng diễn ra, gia đình đã thực hiện các biện pháp phòng trừ. 

Ông Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung cho biết: Vụ này toàn xã có 320 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu bằng các giống lúa chất lượng cao như NT2, nếp hạt cau, gạo tiến vua, lúa Hương Bình, VNR20… Đây là vụ xã tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa bằng mạ khay cấy máy, vì vậy cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, hạn chế đáng kể tình trạng lúa cỏ phát triển ảnh hưởng đến diện tích lúa cấy. 

Thời gian qua do độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để một số đối tượng sâu bệnh gây hại phát triển trên cây lúa. Trước tình hình đó, xã đã chỉ đạo 2 HTX trên địa bàn xã thường xuyên cử cán bộ thăm đồng, theo dõi diễn biến sâu bệnh để kịp thời thông báo cho bà con tiến hành phun phòng những diện tích nhiễm bệnh. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết thuận lợi nên tình trạng sâu bệnh giảm đáng kể. Một số diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn và khô vằn đã được phun trừ kịp thời. Thời gian này, cây lúa đang bước vào thời kỳ trỗ bông, vì vậy cần tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh, nhất là sâu cuốn lá gây ảnh hưởng đến bộ lá đòng. 

Vụ Đông xuân năm nay, huyện Yên Khánh gieo cấy gần 7.300 ha chủ yếu bằng các giống Bắc thơm số 8, Đài thơm, ST25, Thiên Phú … Thời điểm này, lúa xuân sớm đang ở giai đoạn làm đòng, trà lúa xuân đại trà đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. 

Trong những ngày qua, do thời tiết liên tục có mưa nhỏ kéo dài, ẩm độ không khí cao, rất thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa. Qua điều tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, bệnh đạo ôn hại lúa đã và đang phát sinh trên đồng ruộng, ở một số giống lúa nhiễm bệnh như: nếp các loại; Đài thơm số 8... Tỷ lệ bệnh trung bình trên giống nhiễm từ rải rác đến 1%, nơi cao từ 10 - 20%.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Thời tiết sau cấy khá ấm, lúa xuống đồng bén rễ, hồi xanh nhanh. Khi cây lúa đang trong thời kỳ tập trung nhiều dinh dưỡng thì trời mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí cao, dẫn đến bệnh đạo ôn đã phát sinh, gây hại rải rác và cục bộ.

Cùng với bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn đang phát sinh hại rải rác, tỷ lệ diện rộng khoảng 3 - 5% số dảnh; sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy các loại lứa 5 cũng đã xuất hiện. Phòng đã có thông báo gửi tới các địa phương, các HTX nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bám sát đồng ruộng, tranh thủ thời tiết tạnh ráo phun trừ bệnh đạo ôn khi ruộng có tỷ lệ nhiễm bệnh từ 3 - 5%. Ruộng nhiễm bệnh đạo ôn tuyệt đối không để khô nước, không bón đạm đơn, không phun phân qua lá và các loại kích thích sinh trưởng. Cùng với đạo ôn, cần chú ý phun trừ bệnh khô vằn, khi tỷ lệ bệnh từ 5% số dảnh trở lên và tiếp tục diệt chuột bảo vệ sản xuất.

Để bảo đảm an toàn sâu bệnh trên lúa Đông xuân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, giữ nước nông trên ruộng để lúa làm đòng thuận lợi và tăng hiệu quả của việc phòng, trừ bệnh, không phun các loại phân bón qua lá và các loại thuốc kích thích sinh trưởng, đặc biệt trên những diện tích lúa đang bị nhiễm bệnh đạo ôn, không bón đạm đơn nuôi đòng nuôi hạt. 

Đối với những diện tích lúa bị bệnh đạo ôn nặng, trước khi phun thuốc cần vơ sạch những lá bị bệnh, sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày cần kiểm tra lại, nếu thấy vết bệnh mới xuất hiện cần phun thuốc lần 2. Ngoài bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ đang phát sinh, gây hại trên một số diện tích lúa của các xã phía Nam. 

Qua điều tra, mật độ sâu cuốn lá nhỏ dự báo cao không hơn cùng kỳ nhiều năm, gây hại trong khoảng đầu tháng 5. Ngành Nông nghiệp đang tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, rà soát các giống, vùng nhiễm bệnh để khoanh vùng, khuyến cáo địa phương, nông dân tổ chức phòng, trừ kịp thời, hiệu quả.

Thời gian tới, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ tiếp tục ra rộ, sâu non sẽ nở tập trung vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng. Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, một số diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ, trắng bộ lá đòng ảnh hưởng đến năng suất lúa. Về rầy nâu, rầy lưng trắng, tới đây cũng sẽ gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt là trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn ôm đòng, trỗ bông.

Trước tình hình trên, để chủ động đảm bảo an toàn sản xuất, giành vụ đông xuân thắng lợi, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã và đang triển khai đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại. Trong đó, đề nghị các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch hại để phòng chống kịp thời. 

Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1